Cẩm nang “vàng” cho bé ăn dặm đúng cách
Với những bà mẹ lần đầu có con nhỏ, việc bắt đầu tập cho con ăn dặm chắc chắn sẽ có rất nhiều bỡ ngỡ. Dưới đây là những điều cơ bản mẹ cần nhớ để cho bé ăn dặm đúng cách:
Dấu hiệu bé đã sẵn sàng để ăn dặm
- Trẻ có thể ngồi dậy mà chỉ cần rất ít sự giúp đỡ từ người lớn
- Trẻ có thể tự ngóc đầu dậy
- Trẻ có thể tiếp nhận thức ăn từ thìa đút và nuốt được
- Trẻ được 6 tháng tuổi
Bí quyết cho bé ăn dặm thành công
- Chọn đồ ăn dặm cho bé phù hợp với khả năng và tháng tuổi của bé. Ở mỗi một giai đoạn phát triển, bé cần được ăn loại thức ăn có độ thô phù hợp với lứa tuổi của mình ( từ xay nhuyễn, băm nhỏ đến cắt miếng).
- Cho trẻ ăn bất cứ khi nào trẻ đói. Dấu hiệu đói bao gồm: di chuyển tay và chân một cách hào hứng hoặc hướng đầu về phía thức ăn, há miệng khi nhìn thấy thức ăn, khóc quấy,...
- Đảm bảo trẻ ngồi thẳng khi ăn. Nên mua ghế tập ăn cho trẻ để trẻ được khám phá, trải nghiệm thức ăn tốt hơn và giảm nguy cơ bị hóc nghẹn.
- Không bao giờ được để trẻ ở một mình khi đang ăn
- Tránh nói chuyện ồn ào làm trẻ xao lãng, mất tập trung khi ăn và dễ bị hóc nghẹn.
Ở mỗi một giai đoạn phát triển, bé cần được ăn loại thức ăn có độ thô phù hợp với lứa tuổi của mình ( từ xay nhuyễn, băm nhỏ đến cắt miếng) (Ảnh minh họa)
Bắt đầu cho trẻ ăn dặm thế nào?
- Rửa tay cả mẹ và con thật sạch trước khi vào bữa ăn
- Khi bắt đầu giới thiệu với bé một món ăn mới, hãy cho bé thử một thìa nhỏ trước để chắc chắn đồ ăn hợp với bé. Sau đó, dần dần tăng hàm lượng thức ăn lên theo nhu cầu của bé.
- Cách 3,4 ngày mới được giới thiệu một món mới với trẻ để tiện theo dõi xem trẻ có bị dị ứng với loại thực phẩm nào không. Món ăn mới chỉ nên gồm 1 loại thực phẩm, tránh là tổng hợp của nhiều loại thực phẩm, sẽ gây khó khăn để phát hiện ra loại thực phẩm nào đã làm trẻ bị dị ứng (trong trường hợp trẻ bị dị ứng).
- Cần kiên nhẫn với việc giới thiệu món ăn mới cho trẻ. Không nên ép trẻ ăn bằng được món mới ngay trong lần đầu tiên. Nếu trẻ từ chối một món mới, hãy đợi thêm vài ngày rồi lại thử cho bé ăn tiếp món đó. Đôi khi, có những món bé phải thử đến 10 lần hoặc hơn mới nhận ra rằng đó là món khoái khẩu của mình.
- Đừng tiếc của. Hãy bỏ đi bất cứ chỗ thức ăn thừa nào mà bé hoặc thìa của bé đã chạm vào. Điều này sẽ tránh cho bé nguy cơ nhiễm khuẩn và mắc các vấn đề về đường ruột.
- Hãy để bé chủ động trong việc ăn uống. Cần nhớ rằng, việc của mẹ là cung cấp thức ăn và việc của bé là ăn những món đó.
- Để bé mở miệng sẵn sàng trước khi mẹ đút cho bé ăn.
- Cho phép trẻ được chạm vào đồ ăn – dù là trên đĩa/bát hay trên thìa. Hãy để trẻ được tự dùng ngón tay bốc đồ ăn bất cứ khi nào trẻ thích và có khả năng làm.
- Ngưng cho con ăn khi trẻ có dấu hiệu đã no. Không ép trẻ ăn khi trẻ không có nhu cầu. Không ép trẻ bắt buộc phải ăn sạch bát/đĩa. Dấu hiệu bé ăn đã no có thể bao gồm: khép miệng, quay mặt đi, lấy tay che miệng, lắc đầu nói “không” hoặc quấy khóc.
- Không cho bất cứ thức ăn gì vào miệng bé khi bé thể hiện sự không đồng ý.
- Tránh trêu chọc, cười đùa hay chơi trò chơi để dụ trẻ ăn.
Nên cho trẻ ăn loại thức ăn gì?
- Cần cho trẻ ăn dặm đa dạng các loại thực phẩm để trẻ học được cách cảm nhận nhiều hương vị khác nhau. Có thể trẻ thích cả những món bố mẹ không thích.
- Không nêm muối hay đường vào đồ ăn của trẻ.
- Không nên cho trẻ ăn thức ăn bán sẵn
Lưu ý về vấn đề tiêu hóa của trẻ
Thay đổi trong thói quen đi vệ sinh cũng như màu sắc, hình dạng, kích cỡ, độ đặc trong “đầu ra” của bé khi bé tập ăn dặm là chuyện hoàn toàn bình thường. Có thể bé sẽ đi ngoài nhiều hơn hoặc ít hơn trước đây. Nếu gặp bất kì băn khoăn nào về chuyện tiêu hóa của con, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn tốt nhất.
Bài viết trước:
5 cách đơn giản xử trí ho, cảm lạnh ở trẻ bà mẹ nào cũng cần biết